Bài tham luận ‘Kỹ năng sử dụng tài liệu trong học tập”

BÀI THAM LUẬN ‘KỸ NĂNG SỬ DỤNG TÀI LIỆU TRONG HỌC TẬP”

HỘI NGHỊ CÔNG TÁC HỌC SINH SINH VIÊN

KHOA SƯ PHẠM KỸ THUẬT

HỌC KỲ 1 NĂM 2016-2017

ThS. Phạm Thanh Cường, 2016

Tự học là hình thức học tập không thể thiếu của sinh viên tại các trường đại học. Tự học nghĩa là tự mình lao động trí óc, là tự tìm tòi, tự nghiên cứu, tự sáng tạo để chiếm lĩnh tri thức. Tự học là một trong những phương pháp học tập tích cực  quyết định đến chất lượng của quá trình học tập. Kỹ năng sử dụng tài liệu trong tự học là một trong những kỹ năng quan trọng, giúp thúc đẩy quá trình tự nhận thức của người học và nâng cao chất lượng học tập. Vì vậy, bài viết này đề cập đến “Kỹ năng sử dụng tài liệu” trong học tập, nhằm thúc đẩy quá trình tự học và góp phần nâng cao chất lượng của quá trình học tập, và chất lượng đào tạo của nhà trường.

* Khái niệm “Tài liệu học tập”

Một trong những công cụ quan trọng để phục vụ cho quá trình tự học đó chính là tài liệu học tập. Tài liệu học tập là học những học liệu dùng cho quá trình học tập. Việc sử dụng tài liệu học tập nhằm mục tiêu lĩnh hội tri thức một cách nhanh và đầy đủ nhất, và nó cũng giữ một vị trí đáng kể trong việc nắm vững kiến thức và phát huy tính tích cực hoạt động trí tuệ của người học.

* Các loại tài liệu học tập        

 Tài liệu học tập đ­ược chia thành nhiều loại tuỳ theo tính chất hay chức năng riêng biệt. Tài liệu học tập có thể tồn tại ở dạng tài liệu in hoặc tài liệu điện tử (tài liệu dạng file trên máy tính). Thông thường, đối với sinh viên, có những loại tài liệu học tập sau đây:

1. Giáo trình: Là những tài liệu học tập cơ bản, chung, chính thống, bắt buộc đối với mọi sinh viên khi học tập.

2. Tài liệu tham khảo, đọc thêm: Là những tài liệu dùng để bổ xung, đào sâu, mở rộng tri thức cho từng bài học, từng ch­ương hay từng học phần.

3. Tài liệu hướng dẫn học tập: Là những tài liệu có chức năng h­ướng dẫn học tập, ôn tập hay rèn luyện kỹ năng, tự học, tự thực hành, như đề cương bài giảng, ngân hàng câu hỏi, sổ tay sinh viên …

4. Sách tra cứu: Là những tài liệu dùng để tra cứu như:­ từ điển, sổ tay tra cứu, các danh mục, các bảng thống kê, bảng tra…

5. Báo, tạp chí chuyên ngành: Là những tài liệu khoa học dùng để tham khảo hay nghiên cứu chuyên sâu, như các bài báo, tạp chí khoa học và công nghệ, tạp chí cơ khí, tạp chí điện điện tử…

6. Sách nghiên cứu: Là những công trình khoa học hay chuyên khảo dùng tham khảo chuyên sâu về một lĩnh vực.

Mặc dù tồn tại ở dạng nào thì giáo trình của môn học vẫn là tài liệu quan trọng nhất nhằm cụ thể hoá nội dung chư­ơng trình môn học thông qua hệ thống các bài học.

* Thực trạng sử dụng tài liệu học tập của sinh viên TNUT

     Kết quả khảo sát ý kiến của 203 sinh viên K52 của trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp – ĐH Thái Nguyên về việc sử dụng tài liệu trong học tập, cho thấy:

-         Chỉ 47% sinh viên có tài liệu học tập của tất cả các học phần. Số còn lại là không có hoặc môn có môn không.

-         Chỉ 35,5% sinh viên có tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt của tất cả các học phần. Số còn lại là không có hoặc môn có môn không.

-         Chỉ có 10,6% sinh viên có tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh của tất cả các học phần. Số còn lại là không có hoặc môn có môn không.

-         Chỉ có 35,6 % sinh viên lấy tài liệu học từ E-learning của nhà trường.

-         Chỉ có 22,1% sinh viên mượn sách của thư viện nhà trường.

-         Chỉ có 13,5% sinh viên đọc tài liệu học tập của tất cả các môn học. Số còn lại là không đọc hoặc môn đọc môn không.

-         Chỉ có 38% sinh viên đọc sách hay bài giảng chính môn học tập hàng ngày. Số còn lại là không đọc hoặc thỉnh thoảng mới đọc.

-         Chỉ có 31,1% sinh viên đọc tài liệu tham khảo. Số còn lại là không đọc hoặc thỉnh thoảng mới đọc.

-         Chỉ có 7,3% số sinh viên đọc sách ở thư viện nhà trường

-         Chỉ có 26,6% sinh viên đọc sách, bài giảng trước khi lên lớp.

-         Có tới 44,3% sinh viên chỉ đọc sách mà không biết ghi chép lại hoặc đánh dấu nội dung quan trọng.

-         Chỉ có 13,7% sinh viên đọc sách theo nhóm thảo luận

-         Chỉ có 54,4% sinh viên biết đọc kỹ và đọc trọng tâm bài học. Có 11% sinh viên không biết áp dụng phương pháp đọc hiệu quả.

-         Chỉ có 36,5% sinh viên đi học mang theo tài liệu học tập. Số còn lại là không mang hoặc lúc mang, lúc không, môn mang, môn không.

       * Giải pháp - Kỹ năng sử dụng tài liệu học tập hiệu quả

Để việc sử dụng tài liệu học tập có chất lượng và hiệu quả, người học cần đọc tài liệu theo một quy trình nhất định. Vì vậy, việc đọc tài liệu học tập cần được thực hiện nghiêm túc và tuân theo các yêu cầu sau:

          * Lựa chọn tài liệu học tập

            - Nguyên tắc: sử dụng tài liệu học tập chính thống của bộ môn, do giảng viên bộ môn giới thiệu hoặc cung cấp trên e-learning.

            - Nếu có nhu cầu tím kiếm tài liệu tham khảo thì nên tìm kiếm trong thư viện nhà trường hoặc trung tâm học liệu của Đại học Thái Nguyên hoặc các thư viện, trường Đại học khác trên cả nước.

            - Nếu tìm kiếm tài liệu học qua mạng internet thì phải tìm ở những trang web uy tín, rõ ràng về nguồn gốc như các trang web của các trường đại học, học viện, các trung tâm khoa học của thế giới.

         * Sử dụng tài liệu học tập

  - Nên giữ cho tinh thần sảng khoái, tránh căng thẳng, mệt mỏi, trước khi đọc. Không nên đọc khi buồn ngủ.

  - Nên giữ tư thế ngồi đọc đúng cách.

- Nên đọc sách và tài liệu tham khảo ngay sau khi bài học đã được học ở trên lớp

- Nên đọc cả tài liệu bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

- Nên đọc theo nhóm để cùng nhau thảo luận

- Nên sử dụng phương pháp đọc hiệu quả như: đọc lướt, đọc kỹ, đọc trọng tâm, đọc chọn lọc, đọc có ghi nhớ

- Nên vừa đọc, vừa ghi chép, đánh dấu và nên dùng bút hoặc que chỉ để tăng tốc độ đọc.

- Nên đọc trước bài học trước khi lên lớp.

Kết Luận

Sử dụng tài liệu học tập là một vấn đề cần thiết và quan trọng, đây là một phương pháp tự học, tự tìm kiếm, làm giàu kiến thức, nâng cao trình độ của bản thân, nhằm từng bước hoàn thiện phẩm chất, năng lực của người sinh viên, đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Muốn có được hiệu quả trong đọc liệu, cần sử dụng linh hoạt các kỹ năng và phương pháp đọc nêu trên. Đồng thời phải biết cách tự phân tích, so sánh, tổng hợp, liên hệ thực tiễn và rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Có như vậy, việc sử dụng tài liệu học tập mới có hiệu quả thiết thực, mới hình thành phương pháp tự học tích cực cho mỗi sinh viên trong quá trình học tập.

Tin mới hơn

Tin cũ hơn