Chuẩn đầu ra chuyên ngành SPKT Điện

 

CHUẨN ĐẦU RA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

CHUYÊN NGÀNH SƯ PHẠM KỸ THUẬT ĐIỆN

 

1. Kiến thức

- Người học có những kiến thức cơ bản về khoa học giáo dục để có thể vận dụng vào hoạt động dạy học và giáo dục như: các quy luật và bản chất của hiện tượng tâm lý; những vấn đề cơ bản của quá trình dạy học và giáo dục, triển khai nghiên cứu các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục và khoa học giáo dục nghề nghiệp nói riêng;

- Người học có những kiến thức về kỹ năng sư phạm nghề bao gồm thiết kế, triển khai thực hiện hoạt động giảng dạy, tổ chức và quản lý đào tạo trong nhà trường, khai thác/chế tạo phương tiện dạy học theo đúng chuẩn mực sư phạm và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học; những vấn đề cơ bản của việc xây dựng và phát triển chương trình môn học/khóa học.

- Người học có những kiến thức về khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật; các kiến thức cơ sở ngành; kiến thức chuyên Kỹ thuật điện bao gồm: Kiến thức về nguyên lý và các phương pháp phân tích hoạt động các hệ thống phát, truyền tải, đặc biệt là phân phối và tiêu thụ điện; hệ thống chiếu sáng, hệ thống an ninh, an toàn điện; nguyên lý và tính năng (cơ, nhiệt, điện) của các thiết bị điện trong công nghiệp và dân dụng; kiến thức về nguyên lý và các phương pháp phân tích hoạt động của hệ thống điều khiển tự động điện công nghiệp quy mô vừa và nhỏ; phương pháp đánh giá mối quan hệ kinh tế - kỹ thuật cơ bản tổ chức sản xuất công nghiệp;

- Người học hiểu vai trò và trách nhiệm của người giáo viên với xã hội; sự tác động của khoa học kỹ thuật đối với xã hội và các quy tắc của xã hội đối với môi trường giáo dục và môi trường kỹ thuật;

- Người học có  kiến thức pháp luật, lịch sử và văn hóa;

- Người học hiểu được ý nghĩa và có khả năng cập nhật các vấn đề mang tính thời sự, tính chất toàn cầu hóa tác động đến các giải pháp giáo dục và kỹ thuật.

2. Kỹ năng

+ Kỹ năng lập luận và giải quyết vấn đề

- Kỹ năng phân tích đánh giá quá trình giáo dục và quá trình kỹ thuật;

- Kỹ năng lập kế hoạch giáo dục và qui trình công nghệ kỹ thuật;

- Kỹ năng đề xuất các giải pháp và khuyến nghị để tổ chức, thực hiện hiệu quả hoạt động giáo dục và kỹ thuật.

+  Kỹ năng nghiên cứu thực nghiệm

Có khả năng tiến hành thử nghiệm và kiểm chứng các giải pháp công nghệ mới để triển khai ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục và kỹ thuật.

+ Kỹ năng suy nghĩ  hệ thống

Có năng lực xem xét vấn đề ở mức tổng thể, xác định những vấn đề phát  sinh và các tương tác trong quá trình; sắp xếp, xác định các yếu tố trọng tâm và có khả năng phân tích lựa chọn giải pháp thuộc lĩnh vực giáo dục và kỹ thuật.

+  Kỹ năng làm việc nhóm

Có năng lực hợp tác trong học tập; tham gia làm việc nhóm và tổ chức nhóm làm việc hiệu quả trong các hoạt động giáo dục và hoạt động kỹ thuật.

+ Kỹ năng giao tiếp

Có năng lực trình bày, diễn đạt vấn đề khoa học; kỹ năng tổ chức giao tiếp hiệu quả trong môi trường giáo dục nghề nghiệp.

+  Kỹ năng ngoại ngữ

Có năng lực đọc, dịch tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh; có khả năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh trong xã hội và chuyên môn.

+ Kỹ năng phát hiện và hình thành ý tưởng

- Phát hiện, phân tích yêu cầu của quá trình giáo dục;

- Phác thảo các ý tưởng thiết kế quá trình giáo dục;

- Phát hiện, phân tích yêu cầu và tính năng kỹ thuật sản phẩm;

- Phác thảo các ý tưởng thiết kế và quy trình công nghệ chế tạo sản phẩm;

+  Kỹ năng thiết kế

Có năng lực thiết kế quá trình dạy học và giáo dục; xây dựng và phát triển chương trình môn học/khóa học; thiết kế chế tạo các thiết bị công nghệ thuộc lĩnh vực  Kỹ thuật Điện trong các ngành sản xuất.

+ Kỹ năng triển khai

Có năng lực lập kế hoạch triển khai quá trình dạy học và giáo dục; tổ chức thực hiện nghiên cứu các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục và khoa học giáo dục nghề nghiệp; tổ chức thực hiện công tác đảm bảo kỹ thuật thuộc lĩnh vực kỹ thuật Điện

+ Kỹ năng vận hành

Có năng lực điều khiển quá trình giáo dục, sử dụng phương tiện dạy học, công nghệ dạy học; tổ chức quản lý đào tạo trong nhà trường; tổ chức điều hành quá trình sản xuất cũng như trong các hoạt động dịch vụ kỹ thuật có liên quan lĩnh vực kỹ thuật điện; vận hành, lắp đặt, sửa chữa, nâng cấp các thiết bị điện, máy điện AC, máy điện DC và máy biến áp trong công nghiệp và dân dụng.

3. Thái độ

+  Phẩm chất cá nhân và nghề nghiệp

- Người học có năng lực tư duy sáng tạo, tư duy logic; năng lực tự học và sử dụng công nghệ thông tin; có năng lực quản lý bản thân.

- Người học có đức tính trung thực, tinh thần trách nhiệm và cầu thị trong công việc; phong cách ứng xử; năng lực xây dựng kế hoạch cho tương lai, ý thức cập nhật thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật.

+  Phẩm chất chính trị

Người học có hiểu biết và có trách nhiệm: chấp hành đường lối chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước; thực hiện nghĩa vụ quyền lợi công dân và người lao động.

+ Phẩm chất nhân văn

- Trung thực, năng động, tự tin, có trách nhiệm và ý thức phục vụ cộng đồng.

- Yêu nghề, có lý tưởng nghề nghiệp.

4. Vị trí và khả năng công tác sau khi tốt nghiệp:

Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Sư phạm Kỹ thuật Điện có thể:

- Đảm nhiệm chức năng/nhiệm vụ dạy học - giáo dục trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp...;

- Tư vấn, thiết kế, quản lý, điều hành và các công việc kỹ thuật tại các cơ sở  liên quan đến lĩnh vực Kỹ thuật Điện;

- Làm việc trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và các doanh nghiệp sản xuất có liên quan đến lĩnh vực Kỹ thuật Điện;

- Nghiên cứu khoa học giáo dục nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực Kỹ thuật Điện ở các viện nghiên cứu, các trung tâm, các cơ quan nghiên cứu của các Bộ, ngành, các trường Đại học và Cao đẳng.

5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp

Người học có thể học tập, nâng cao trình độ sau đại học ở lĩnh vực Sư phạm kỹ thuật hoặc lĩnh vực Kỹ thuật Điện.

 

 

Tin mới hơn

Tin cũ hơn